Được công nhận xứng đáng

Làm sao để được công nhận?

Hãy tưởng tượng thế này: Bạn thường xuyên làm việc trễ, luôn giành được khách hàng sộp khiến đồng nghiệp “chảy nước miếng”, không bao giờ trễ hạn chót và luôn đúng hẹn – và hơn hết, bạn biến dự án tồi tệ nhất thành công rực rỡ và trước thời hạn.

Bạn sẽ nghĩ rằng với tất cả công trạng đó, ít nhất bạn cũng sẽ nhận được lời khen từ ban giám đốc? Đúng là bạn muốn thật, nhưng không may là cấp trên lại đang bận đối phó với một thành viên “có vấn đề” của nhóm và quên không biểu thị lòng biết ơn với những người hùng của công ty. Trong đó có cả bạn.

Bạn đã bao giờ trải qua tình huống trớ trêu như vậy chưa? Làm việc chăm chỉ và bị cấp trên lờ đi. Đó là lý do tại sao đôi khi bạn phải tự tay xử lý vấn đề này thôi!

Bạn sẽ cảm thấy khó xử nếu “khoe khoang” về thành quả của mình nhưng nếu sếp không biết bạn đã làm việc rất cực khổ và bạn cũng không nói cho sếp biết thì liệu sếp có tăng lương cho bạn không? Làm sao sếp biết đã đến lúc nên cân nhắc bạn hoặc giao cho bạn các dự án to tát hơn?.

Vậy làm sao để thoát ra khỏi tình huống đó? 15phut.vn sẽ chỉ cho bạn cách để vừa được công nhận xứng đáng mà vẫn không gây ồn ào. Tin hay không tùy bạn, nhưng luôn có cách cho bất kì vấn đề nào!

Có rất nhiều hình thức công nhận, vậy thì đâu là cách mà bạn muốn.

Bước một: Quyết định xem mình muốn gì

Các công ty thường bày tỏ sự cảm ơn với nhân viên bằng giải thưởng, chứng chỉ hoặc tiền thưởng nhưng đôi khi đó lại không phải là điều chúng ta muốn. Nhân viên thường chỉ muốn được khen ngợi đơn giản đủ để biết rằng công việc mình đang làm là có ý nghĩa và khác biệt.

Vậy chính xác là bạn đang tìm kiếm điều gì? Bạn phải xác định rõ vì mỗi người tìm kiếm một cách ngợi khen khác nhau. Bạn thích đơn giản một lời “cảm ơn” hay một lễ trao giải vinh danh tên bạn hay muốn được thăng chức?

Bước hai: Xác định tại sao bạn xứng đáng được khen thưởng

Đừng nên đi vào văn phòng của sếp mà không chuẩn bị trước để báo cáo về những thành tích tuyệt vời mà bạn đã đạt được. Tại sao? Thứ nhất việc này có vẻ kỳ lạ. Thứ nữa, nếu bạn đang lo lắng, bạn có thể sẽ quên nói tới điều gì đó quan trọng mà mình đã làm. Bạn cũng có thể quên đề cập tới sự giúp đỡ một đồng nghiệp khiến mọi người nghĩ xấu về bạn. Hãy báo cáo trung thực những gì mình đã làm tốt nhưng cũng nên chia sẻ thành tích đó với người khác.

Liệt kê ra danh sách các thành tích bạn muốn thảo luận và ghi chú bên cạnh về giá trị mà thành tích đó đã mang lại cho công ty.

Bước ba: Tự khen

Hãy sáng tạo một chút đi. Chỉ có bạn mới biết rõ về sếp và môi trường kinh doanh nên hãy thử nghĩ cách để sếp biết bạn đã cố gắng làm việc ra sao!

Nếu bạn chọn nói chuyện trực tiếp với sếp, hãy làm thật cẩn thận và và khéo léo – một mình. Hãy đọc bảng thành tích do mình tạo ra vài lần cho thông thạo trước khi gặp sếp. Khi nói chuyện, phải nhấn mạnh vào thành tích đã đạt được và đề cập tới chuyện đồng nghiệp cũng cần được khen thưởng vì đã làm việc rất chăm chỉ.

Nếu bạn thấy làm vậy thì có vẻ khoe khoang quá, hãy nghĩ cách để sếp biết bạn đã làm được gì mà không cần tỏa ra quá lộ liễu hoặc phô trương như vậy. Ví dụ, hãy email tới sếp mỗi khi bạn giành được một khách hàng mới hoặc khi “xử lý” êm thấm một một khách hàng tồi tệ của công ty. Những bản “báo cáo tiến độ” kiểu này vừa có thể giúp thông báo cho sếp biết bạn đang làm gì mà không quá lộ liễu.

Bạn cũng có thể khen ngợi người khác trước mặt sếp để thông qua đó, khiến sếp chú ý và nhận ra bạn cũng đang làm việc rất tốt. Nhưng nhớ phải trung thực và khách quan nhé. Nếu bạn không trung thực mọi người sẽ nhận ra ngay và đánh giá không tốt về bạn. Hãy nói chỉ khi nào bạn thật sự cảm nhận được điều đó.

Một vài gợi ý

• Hãy quan sát kỹ hành động của sếp vì đôi khi bạn không nhận ra sếp vẫn đang đánh giá bạn rất cao. Giả sử bạn đã bỏ nhiều công sức để soạn thảo thông báo hằng năm gửi cổ đông nhưng sếp chỉ liếc sơ qua chút xíu rồi bảo bạn đi sao chép. Trước khi tỏ ra khó chịu, hãy đọc thông điệp đằng sau hành động đó với ý nghĩa rằng sếp hoàn toàn tin tưởng bạn và  không cần đọc từng dòng cũng biết bạn sẽ làm rất xuất sắc. Có được lời “cảm ơn” khi hoàn thành tốt công việc thì tốt, nhưng được tín nhiệm kiểu này cũng là một lời khen rồi.

• Trong môi trường làm việc của bạn, những gì xấu thì được chú ý còn những ai làm tốt lại thường bị bỏ qua? Nếu vậy, bạn có thể phải làm một cái gì đó táo bạo để có được sự chú ý của ban quản lý. Hãy cho sếp biết các thành viên của nhóm rất cần được công nhận. Đừng chỉ tập trung quyền lợi vào mình mà phải giúp cấp trên hiểu mọi người sẽ hăng hái hơn nếu được nhận lời khen ngợi bây giờ và sau đó.

Điểm cốt lõi:

Mặc dù không phải ai cũng thoải mái khi nói về  thành tích của mình, nhưng nếu không nói bạn có thể làm tổn hại đến sự nghiệp của chính mình.

Nếu sếp không biết bạn đã làm việc tuyệt vời ra sao, sếp có thể sẽ cất nhắc hoặc giao dự án đặc biệt đó cho người khác thậm chí chẳng giỏi gì hơn bạn. Bạn phải chứng minh được khả năng xử lý trách nhiệm thêm và phải cho cấp trên biết những gì bạn đã làm.

Hãy nghĩ thêm cách nào tinh tế hơn để có được công nhận của sếp bằng cách nói chuyện riêng tư, gửi email về những thành tích nhỏ và ca ngợi đồng đội của bạn khi đang có mặt người đó. Ngay cả khi bạn không chú ý tập trung vào mình, sếp cũng có thể chú ý tới thành tích của bạn.

Áp dụng vào thực tế:

Bạn đã sẵn sàng áp dụng lý thuyết này chưa? Dưới đây là một số cách áp dụng công cụ này ngay từ hôm nay:

• Công nhận thành tựu của đồng nghiệp. Nếu bạn nhận thấy đồng nghiệp đạt được thành tựu nào đó, hãy gửi email khen ngợi nỗ lực của họ đính kèm cho cấp trên. Hành động này cho thấy bạn đang thực hiện rất tốt vai trò lãnh đạo nhóm.

• Đừng quên rằng cấp trên cũng cần được cấp dưới khen ngợi và công nhận. Gửi email có kèm tên của cấp trên của sếp mỗi khi sếp giúp mình một việc gì đó.

• Nếu bạn đang là trưởng nhóm, hãy luôn mở to mắt để quan sát các hoạt động và đồng nghiệp khi họ xứng đáng được khen ngợi. Bất cứ khi nào có ai đó làm một cái gì đó tuyệt vời, hãy viết thư cảm ơn và gửi kèm cho cấp trên.

Đây chỉ là một vài cách giúp bạn nâng cao thanh thế tại nơi làm việc và giúp người khác suy nghĩ về việc khen ngợi và công nhận. Khi công nhận nỗ lực làm việc của mọi người trong nhóm cũng là lúc bạn tự nhìn nhận sự nỗ lực của mình

15 phút sưu tầm và biên tập

Comments

comments

Leave a Reply

error: Content is protected !!